VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TRƯỜNG MẦM NON

Lượt xem:

Đọc bài viết

 

BÀI TRUYỀN THÔNG

VỀ CÔNG TÁC VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Xin kính chào toàn thể các cô giáo, chào các em học sinh thân mến! Lời đầu của bài tuyên truyền về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho  phép tôi được gửi lời kính chúc sức khỏe tới toàn thể các cô giáo, chúc các em học sinh có một ngày học tập thật bổ ích và lý thú.

Thực phẩm là nguồn cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho cơ thể, giúp cơ thể khoẻ mạnh, chống lại các nguy cơ của bệnh tật đang có mặt ở khắp nơi trong môi trường; giúp người ta hoạt động và làm việc. Như vậy, nếu nguồn thực phẩm không hợp vệ sinh, sức khoẻ con người sẽ bị đe doạ.

Vệ sinh thực phẩm

là mọi điều kiện và biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn và phù hợp của thực phẩm ở mọi khâu thuộc chu trình thực phẩm.

An toàn thực phẩm

là sự bảo đảm thực phẩm không gây hại cho người tiêu dùng khi nó được chuẩn bị và/hoặc ăn theo mục đích sử dụng.

I.NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY Ô NHIỄM THỰC PHẨM

1.Do quá trình chăn nuôi, gieo trồng, sản xuất thực phẩm, lương thực

  • Thực phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc thủy sản sống ở nguồn nước bị nhiễm bẩn.
  • Các loại rau, quả được bón quá nhiều phân hóa học, sử dụng thuốc trừ sâu không cho phép hoặc cho phép nhưng không đúng về liều lượng hay thời gian cách ly. Cây trồng ở vùng đất bị ô nhiễm hoặc tưới phân tươi hay nước thải bẩn. Sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh.

2.Do quá trình chế biến không đúng

  • Quá trình giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm, quá trình thu hái lương thực, rau, quả không theo đúng quy định.
  • Dùng chất phụ gia không đúng quy định của Bộ Y tế để chế biến thực phẩm.
  • Dùng chung dao thớt hoặc để thực phẩm sống với thực phẩm chín.
  • Dùng khăn bẩn để lau dụng cụ ăn uống.
  • Bàn chế biến thực phẩm, bàn ăn hoặc dụng cụ ăn uống nhiễm bẩn. Không rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, nhất là khi chuẩn bị thực phẩm cho trẻ em.
  • Người chế biến thực phẩm đang bị bệnh truyền nhiễm, tiêu chảy, đau bụng, nôn, sốt, ho hoặc nhiễm trùng ngoài da.
  • Rửa thực phẩm, dụng cụ ăn uống bằng nước nhiễm bẩn.
  • Nấu thực phẩm chưa chín hoặc không đun lại trước khi ăn.

3.Do quá trình sử dụng và bảo quản không đúng

  • Dùng dụng cụ sành sứ, sắt tráng men, nhựa tái sinh … bị nhiễm chất chì để chứa đựng thực phẩm.
  • Để thức ăn qua đêm hoặc bày bán cả ngày ở nhiệt độ thường; thức ăn không được đậy kỹ, để bụi bẩn, các loại côn trùng gặm nhấm, ruồi và các động vật khác tiếp xúc gây ô nhiễm.
  • Do thực phẩm bảo quản không đủ độ lạnh hoặc không đủ độ nóng làm cho vi khuẩn vẫn phát triển.

II.HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

(10 lời khuyên để phòng ngộ độc thực phẩm)

1.Chọn thực phẩm tươi sạch

2.Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm

3.Sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ

4.Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ

5.Ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong

6.Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn

7.Giữ vệ sinh cá nhân tốt

8.Sử dụng nước sạch trong ăn uống

9.Sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh

10.Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ